Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim: Vượt thời tiết khắc nghiệt

Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim: Vượt thời tiết khắc nghiệt

Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim: Vượt thời tiết khắc nghiệt

Những ngày cuối tháng 6, tuy đang là mùa khô, nhưng những cơn mưa trái mùa làm cho thời tiết Tây Nguyên càng “đỏng đảnh”, sáng nắng, chiều mưa xối xả. Tuy nhiên, cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim vẫn tranh thủ từng giờ, từng phút vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, đảm bảo tiến độ công trình.

 

Nắng mưa thất thường

Mới 5h sáng, công trường mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đã tràn ngập không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương. Tiếng máy, tiếng xe ầm ầm… xóa tan không gian yên tĩnh thường thấy ở vùng Tây Nguyên buổi sớm mai. 

Anh Lưu Hữu Phi – Tổ trưởng Tổ giám sát Ban quản lý Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim cho biết, công trình đang được chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị thi công khẩn trương triển khai. Tại hạng mục thi công cửa nhận nước, các đơn vị đang tiến hành đổ bê tông cốt thép, dự kiến đến cuối tháng 7 sẽ hoàn thành, chuẩn bị công đoạn lắp đặt cửa van nhận nước vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. 

Đường hầm áp lực là một trong những hạng mục thi công quan trọng và khó khăn nhất của Dự án. Mặc dù đơn vị thi công đã sử dụng công nghệ khoan TBM (Tunel Boring Machine) hiện đại nhất Việt Nam , nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, do hệ thống băng truyền, định vị… chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, do điều kiện địa hình, địa chất đi qua một số khu vực có đất đá yếu, cần phải gia cố thêm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Hiện nay, nhà thầu và các đơn vị thi công đang nỗ lực phấn đấu đảm bảo tiến độ chung của Dự án.

Đối với hạng mục đường ống áp lực, đến nay mới chỉ hoàn thành một số trụ đỡ và đoạn ống gần khu vực Nhà máy. Theo anh Phi, đường ống áp lực được thi công trong khu vực có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, có đoạn lên tới 46 độ, việc đào rãnh, lắp đặt trụ đỡ và đường ống gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi các đơn vị phải nghiên cứu, tính toán chi tiết cho từng vị trí thi công.

Thi công đường hầm áp lực theo công nghệ TBM - Ảnh: Thành An

Ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ chung của công trình chính là thời tiết “đỏng đảnh” ở khu vực Tây Nguyên những ngày này, khi nhiệt độ giữa trưa có thể chạm ngưỡng 35 độ C, nhưng đến chiều lại giảm xuống hơn 20 độ C, mưa như trút nước. Anh Nguyễn Miên – Tổ trưởng Tổ Xây dựng Xí nghiệp 19, Công ty CP Xây dựng 47 cho biết, một ngày làm việc của anh em công nhân thường bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc vào 14 giờ chiều. Mặc dù trong giờ cao điểm trưa, anh em thường được bố trí làm việc ở ngoài trời ít hơn, tuy nhiên thời tiết nắng, mưa bất thường cũng gây khó khăn cho thi công. 

Vì vậy, nhà thầu cùng với Ban quản lý Dự án, tư vấn giám sát đã đưa ra các giải pháp thi công hợp lý trong mùa mưa. Cụ thể, phân chia lao động thành nhiều nhóm, mỗi vị trí là một nhóm thi công. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho công nhân, nhà thầu và các đơn vị còn làm hàng rào che chắn tại các khu vực có độ dốc lớn. Một số vị trí có thể bố trí tấm che chắn an toàn.

Vì vậy, tiến độ thi công vẫn được đảm bảo. Những ngày mưa lớn, để nước không tràn vào vị trí công tác, các đơn vị có thể sử dụng bạt che mưa, cho máy bơm hoạt động hết công suất, tất cả chỉ phục vụ mục tiêu duy nhất, đảm bảo đúng tiến độ thi công công trình.

Tất cả vì tiến độ và chất lượng công trình

Ông Lê Văn Quang – Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD), đơn vị được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao làm chủ đầu tư Dự án cho biết: Để hoàn thành xây dựng một dự án thủy điện cần khoảng 4 năm (từ 45 – 60 tháng), trong đó, thi công hồ chứa và đập chiếm nhiều thời gian nhất. Tuy nhiên, với Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim chỉ cần khoảng 27 – 28 tháng, do “tận dụng” lại hồ chứa và đập hiện hữu của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. 

Vì vậy, ngay từ tháng 6/2016 khi bắt đầu triển khai Dự án, DHD đã chủ động yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công cùng tư vấn giám sát triển khai ngay các hạng mục thi công. Tuy nhiên, từ tháng 10/2016 đến nay, do có những biến đổi bất thường về thời tiết, gần như mưa liên tục, nên các hạng mục thi công ngoài trời đã bị ảnh hưởng khá lớn. Mặc dù tổng tiến độ của Dự án về cơ bản vẫn đáp ứng yêu cầu, nhưng quỹ thời gian dự phòng cho từng hạng mục công trình gần như không còn. “Vì vậy, chủ đầu tư cùng các nhà thầu, tư vấn giám sát và đơn vị thi công đang gấp rút chạy đua, tranh thủ từng giờ, từng phút, vừa đảm bảo tiến độ vừa đảm bảo chất lượng công trình”, ông Lê Văn Quang khẳng định.

Ông Nguyễn Trung Tỉnh - Giám đốc Xí nghiệp 5, phụ trách hạng mục thi công TBM cũng cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp quản và thi công theo công nghệ đào hầm mới nên gặp rất nhiều khó khăn, máy móc vận hành chưa thực sự ổn định. 

Trong quá trình thi công, khi khoan được hơn 300m, các đơn vị đã gặp phải khu vực có địa chất phức tạp, mất nhiều thời gian xử lý. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm sau hơn 2 tháng vận hành, Xí nghiệp 5 sẽ tăng cường nhân lực cho khâu bảo dưỡng, vận hành. Dây chuyền thi công hiện cũng đã khắc phục được một số khiếm khuyết về điện và băng tải. Cùng với sự hướng dẫn của chuyên gia Đức, tư vấn giám sát của Nhật Bản, nhà thầu và đơn vị thi công sẽ nỗ lực đưa hạng mục thi công đường hầm áp lực về đích đúng tiến độ. 

Mặc dù công việc vẫn còn bộn bề, thời tiết lại không ủng hộ, nhưng các hạng mục quan trọng của Dự án Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng vẫn đảm bảo được tiến độ và chất lượng. Với tinh thần lao động hăng say, nỗ lực và đồng tâm, cùng với các giải pháp hợp lý, Dự án đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa vào vận hành tháng 12/2018, bổ sung thêm nguồn cung cấp điện cho các tỉnh, thành phía Nam từ năm 2019. 

Share :