Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân: Cán bộ công nhân viên EVN hãy nỗ lực cùng Tập đoàn vượt khó
Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã “cán đích” năm 2022 với nhiều kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn ở phía trước; những dư địa cần tiếp tục được cải thiện, khai phá; cần sự đoàn kết, cống hiến, sáng tạo và niềm tin trong toàn thể CBCNV để EVN hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Phóng viên có cuộc trao đổi với Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân về vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về sự khác biệt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 so với những năm trước?
Ông Trần Đình Nhân: Năm 2022 cũng như những năm trước, EVN đã đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống nhân dân. Thực hiện chủ đề năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, EVN đã cung cấp đủ điện cho mọi nhu cầu của đất nước sau đại dịch COVID-19. Mặc dù nhu cầu điện thấp hơn so với kế hoạch, nhưng vẫn tăng trưởng cao so với năm 2021. Cụ thể, sản lượng điện thương phẩm đạt 242,3 kWh, tăng 7,5% so với năm 2021.
Trong năm 2022, cơ cấu huy động nguồn điện cũng có sự khác biệt so với những năm trước: do nước về tốt, thủy điện được huy động nhiều hơn, dự kiến tăng khoảng 13 tỷ kWh, đạt mức khoảng 95 tỷ kWh; hệ thống điện được bổ sung thêm 4.000MW điện gió. Năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn đã gây khó khăn cho vận hành hệ thống điện.
Tuy nhiên, nếu nói về sự khác biệt nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN trong năm 2022 so với những năm trước, có lẽ là chúng ta chưa từng chứng kiến giá than nhập khẩu cao như vậy: gấp 6 lần so với đầu năm 2021 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2022. Chi phí sản xuất điện từ than nhập nhẩu lên tới 3.500-4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân chỉ 1.864 đồng/kWh. Giá bán thấp hơn giá thành rất nhiều.
Không chỉ giá than, mà giá dầu, giá khí đều tăng rất cao khiến EVN mất cân đối tài chính rất lớn. Trong năm 2022, EVN dự kiến lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng.
PV: Ông có thể cho biết, trước những khó khăn đó, EVN đã có giải pháp cụ thể nào để giảm thiểu tác động của việc giá thành sản xuất điện tăng cao?
Ông Trần Đình Nhân: Năm 2020 - 2021, khi đất nước khó khăn do đại dịch COVID-19, EVN đã thực hiện 5 lần giảm giá điện cho người dân, doanh nghiệp với hơn 15.000 tỷ đồng. Bước vào quý I/2022, nhận diện được những thách thức, ngay từ đầu năm, EVN đã chỉ đạo thực hiện triệt để việc tiết kiệm chi phí trong toàn Tập đoàn.
Hội đồng thành viên EVN đã ban hành Nghị quyết yêu cầu Ban Tổng giám đốc đảm bảo tối ưu chi phí trong vận hành hệ thống điện, tức là vừa đảm bảo an ninh trong vận hành hệ thống điện vừa phải đảm bảo hiệu quả, với chi phí sản xuất điện thấp nhất. Theo đó, những nguồn điện có chi phí rẻ hơn sẽ được ưu tiên khai thác tối đa, cùng với việc đàm phán lại với các đơn vị phát điện về sản lượng hợp đồng, về giá than.
Cùng với đó, EVN thực hành tiết kiệm tối đa trên mọi lĩnh vực hoạt động: giảm chi phí thường xuyên, chi phí định mức; lùi các hoạt động sửa chữa lớn; lùi thời gian thay thế công tơ điện tử dù đã có lộ trình...
Tuy nhiên, dù đã nỗ lực rất lớn, nhưng do giá chi phí đầu vào sản xuất điện tăng quá cao, trong khi giá điện vẫn giữ nguyên, nên EVN không thể tránh khỏi việc mất cân bằng về tài chính.
PV: Có thể nói, quản trị doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn. Trong năm 2022, lĩnh vực này đã được EVN phát huy như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Đình Nhân: Mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng kết thúc năm 2022, EVN đã cơ bản hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, vận hành,… chỉ trừ chỉ tiêu tài chính.
Điển hình, tổn thất điện năng giảm sâu; độ tin cậy cung cấp điện, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng tiếp tục cải thiện rất tốt; các thông số vận hành tốt; đầu tư xây dựng hoàn thành nhiều công trình trọng điểm…
Đặc biệt, EVN cũng đã tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng về chuyển đổi số và đã cơ bản hoàn thành mục tiêu của cả 2 năm 2021 - 2022. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Tập đoàn, chuyển đổi số đã giúp cho hoạt động của EVN hiệu quả hơn, minh bạch hơn, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Có thể nói, trong bối cảnh vừa thoát khỏi đại dịch COVID - 19, tình hình tài chính gặp rất nhiều khó khăn, nhưng EVN vẫn gặt hái được nhiều thành công trong thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Điều này chứng minh rằng, công tác quản trị của EVN vốn có nền tảng, nề nếp.
Hội đồng thành viên đã kịp thời hoạch định, đưa ra các chiến lược phát triển, kịp thời định hướng, lãnh đạo; Ban Tổng giám đốc chỉ đạo sát sao trong từng tháng, từng tuần để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. EVN cũng đã có một hệ thống quy chế quản lý nội bộ bài bản từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng… Tuy nhiên, quản trị doanh nghiệp của EVN vẫn cần tiếp tục được cải thiện, bởi so với nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới cùng ngành nghề, EVN vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
PV: Vậy đâu là những vấn đề trọng tâm mà EVN cần tập trung cải thiện trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Trần Đình Nhân: Tôi cho rằng, mục tiêu hàng đầu mà doanh nghiệp phải hướng đến là hiệu quả, đương nhiên EVN phải ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chính trị là đảm bảo cung cấp điện cho đất nước. Để có hiệu quả, mọi việc phải minh bạch, công khai trên nền tảng một hệ thống thông tin quản lý tốt, một bộ máy tổ chức mạch lạc, nguồn nhân lực phải tốt và một hệ thống quy chế nội bộ phải phát huy được sự chủ động, năng động, sáng tạo của đơn vị. Nói như vậy không có nghĩa là EVN chưa có một bộ máy tốt, chưa có một nguồn nhân lực tốt. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận rằng, so với các tập đoàn lớn khác cùng ngành nghề trong khu vực và trên thế giới, bộ máy của EVN cần phải được tổ chức tốt hơn nữa, nguồn nhân lực phải giỏi và đồng đều hơn nữa.
Thứ nhất, hệ thống quy chế quản lý nội bộ cần có sự cởi mở hơn, tạo điều kiện cho đơn vị phát triển, tập trung vào việc hoàn thành các mục tiêu được giao, không nên quá gò bó về qui trình, thủ tục. Việc giám sát nên được thực hiện chặt chẽ thông qua hệ thống thông tin quản lý, thông qua hậu kiểm.
Cấp trên giao cấp dưới những chỉ tiêu cần phải đạt được, còn hoàn thành các chỉ tiêu đó theo cách nào, hãy tạo cơ chế để đơn vị chủ động, tự quyết định trên tinh thần phải thượng tôn pháp luật.
Thứ hai, EVN cần tiếp tục đổi mới trong công tác phát triển nguồn nhân lực. So với trước đây, năng suất lao động toàn Tập đoàn đã tăng lên rất nhiều; nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng được yêu cầu về sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, trên thực tế, vẫn còn một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Về đãi ngộ, không nên bình quân chủ nghĩa. Phải xây dựng cơ chế trả lương theo hướng để những người giỏi họ thấy mình được trả công xứng đáng, còn những người năng lực kém phải chịu thu nhập thấp hơn hoặc phải nỗ lực, trau dồi thêm về chuyên môn, nghiệp vụ để xứng đáng với vị trí, với mức lương mà cơ quan chi trả. Phải có cạnh tranh trong lực lượng lao động thì doanh nghiệp mới phát triển. Tuy nhiên, nói rất dễ, nhưng để hiện thực hóa điều này không đơn giản, đòi hỏi bản lĩnh của người đứng đầu.
Thứ ba, công tác cán bộ hiện có rất nhiều yêu cầu để nhân sự được kiện toàn. Tôi cho rằng, đây là các yêu cầu để chúng ta dựa vào đó chọn được những cán bộ tốt, chứ không phải vin vào đó để loại bỏ, hoặc để trượt mất những nhân sự tốt, những người tài rất cần cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Thứ tư, trong công tác tuyển dụng nhân sự, hãy tuyển người mà mình cần họ, chứ không phải người họ cần mình; nếu dễ dãi trong công tác tuyển dụng, thân quen, “gửi gắm” thì rất khó có một bộ máy tốt. Hãy xây dựng một cơ chế để tuyển dụng được người tài; việc tuyển dụng phải công tâm, khách quan. Bởi một người được đào tạo bài bản, nhân cách tốt, thái độ làm việc tích cực, họ sẽ làm việc gấp hai, ba lần so với những người làng nhàng. Rất mừng là những năm gần đây, EVN đã cơ bản làm được điều này.
PV: Ông nhận định như thế nào về những thách thức mà EVN sẽ phải đối diện trong năm 2023 và những năm tới?
Ông Trần Đình Nhân: Thách thức lớn nhất của EVN trong năm 2023 tiếp tục là mất cân bằng tài chính nếu giá điện không được điều chỉnh kịp thời theo cơ chế thị trường, trong khi giá nhiên liệu được dự báo tiếp tục tăng cao. Việc mất cân đối tài chính sẽ khiến EVN gặp rất nhiều khó khăn trong cung cấp điện cho đất nước.
Bên cạnh đó là những vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đầu tư khiến nhiều dự án nguồn điện trọng điểm có nguy cơ bị chậm tiến độ. Giai đoạn 2023-2030, dự kiến không có thêm nhiều nguồn điện lớn nào vào vận hành; hiện nay đang hi vọng vào chuỗi dự án điện khí lô B, còn các dự án khí khác, kể cả khí LNG khó xác định được tiến độ; đầu tư điện gió, điện mặt trời còn phụ thuộc vào chính sách. Với thực trạng này, năm 2023, nhu cầu điện của đất nước cơ bản được đáp ứng, nhưng từ năm 2024-2030, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện nếu không có các quyết sách kịp thời.
PV: Ngoài nỗ lực của EVN, Tập đoàn có kiến nghị gì tới Chính phủ, các Bộ, ngành để EVN tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc?
Ông Trần Đình Nhân: Thời gian qua, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, EVN đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của EVN, Tập đoàn kiến nghị các cơ quan quản lý sớm điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, để ngành Điện lực duy trì sản xuất và tái đầu tư mở rộng.
Cùng với đó, EVN mong Quy hoạch điện VIII sớm được phê duyệt, để EVN cũng như các nhà đầu tư có cơ sở triển khai các dự án nguồn, lưới điện, đảm bảo việc cung ứng điện trong thời gian tới.
PV: Năm 2023 với rất nhiều thách thức, ông kỳ vọng và gửi gắm điều gì tới toàn thể CBCNV EVN?
Ông Trần Đình Nhân: Có rất nhiều người nói rằng, trong khó khăn doanh nghiệp nhà nước luôn sẵn sàng hi sinh và vững vàng nhất. Thực tế, đúng là như vậy với EVN.
EVN mong Chính phủ, các Bộ, ngành tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động của Tập đoàn, tuy nhiên, về phía EVN, chúng ta cũng phải tự thân cải thiện chính mình để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị là đảm bảo cung cấp điện cho sự phát triển của đất nước và hoạt động ngày càng hiệu quả.
Đối với lãnh đạo các cấp trong EVN, hãy thật sự quan tâm đến sự phát triển của đơn vị mình để góp phần vào sự phát triển của Tập đoàn. Lãnh đạo phải làm sao để lòng nhiệt huyết của mình lan tỏa trong cả bộ máy, để sự tận tâm, gắn bó của mình trở thành sợi dây vô hình kết nối toàn thể CBCNV trong đơn vị với nhau. Và như vậy, người lao động sẽ phải nỗ lực phấn đấu xả thân vì sự phát triển của đơn vị.
Trong lịch sử 68 năm hoạt động, EVN đã vượt qua rất nhiều giai đoạn khó khăn. Phát huy truyền thống quý báu đó, mỗi CBCNV EVN ngày hôm nay hãy cùng nhau đoàn kết, gắn bó, cống hiến, sáng tạo để cùng đơn vị, cùng Tập đoàn vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Tôi cho rằng, trong một tập thể lớn, niềm tin rất quan trọng. Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn ở phía trước, tôi mong rằng, cán bộ, nhân viên, người lao động trong toàn EVN hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Tập đoàn, chung sức, đồng lòng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, sản xuất kinh doanh có lãi, để Tập đoàn chúng ta phát triển vững mạnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Một số kết quả nổi bật của EVN năm 2022: - Điện sản xuất và mua của EVN: ước đạt 261,2 tỷ kWh, tăng 6,08% so năm 2021. - Điện thương phẩm: ước đạt 242,3 tỷ kWh, tăng 7,5% so 2021. - Tỷ lệ tổn thất điện năng: ước giảm còn 6,24%, thấp hơn 0,01% so kế hoạch đầu năm và giảm 0,03% so với năm 2021. - Độ tin cậy cung cấp điện: SAIDI giảm còn 283 phút, giảm 36 phút so năm 2021. - Năng suất lao động bình quân: ước đạt 2,83 triệu kWh/người, tăng 7,15% so với thực hiện năm 2021. |
Minh Tuấn