Ứng dụng KHCN ở Truyền tải điện Tây Bắc: Tăng năng suất lao động, giảm sự cố điện
Đó là kết quả thiết thực mà Truyền tải điện Tây Bắc (Công ty Truyền tải điện 1) đã đạt được nhờ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào quản lý, vận hành.
Ứng dụng thiết bị bay
Trước đây, để kiểm tra các khoảng cột nằm trên đồi cao, công nhân Truyền tải điện Tây Bắc phải đi bộ, leo núi hàng giờ đồng hồ mới tiếp cận được vị trí. Với việc ứng dụng thiết bị flycam, chỉ cần 20 phút, công nhân đã có được kết quả chính xác và chi tiết về từng mối nối, mối vá, cũng như tình trạng dây dẫn, sứ, phụ kiện… mà không cần trực tiếp leo cột.
Ông Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc cho biết, với địa bàn quản lý rộng, trải dài qua các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, hầu hết các tuyến đường dây đều đi qua những địa hình phức tạp; đường dây chủ yếu nằm trên đồi cao, cách xa đường Quốc lộ, nên công tác quản lý, vận hành gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Truyền tải điện Tây Bắc đã cùng phòng Công nghệ thông tin của Công ty Truyền tải điện 1 nghiên cứu, ứng dụng thành công thiết bị bay có gắn camera trong kiểm tra đường dây 220 kV.
“Không chỉ nâng cao năng suất lao động, việc ứng dụng công nghệ flycam còn phát huy hiệu quả trong việc kiểm tra cột vượt và các khoảng vượt sông. Đây là những cột có chiều cao và khoảng vượt rất lớn, nên thông thường việc kiểm tra trực tiếp rất phức tạp và phải cắt điện. Nếu là 2 mạch đường dây 500 kV, phải cắt điện đồng thời cả 2 mạch. Khi ấy, theo quy định công nhân đường dây phải kiểm tra sức khỏe trước khi trèo lên những vị trí cột cao hơn 50 m và phải có các trang bị dụng cụ hỗ trợ phức tạp… Từ khi sử dụng thiết bị bay flycam, những khó khăn này đã được giải quyết”, ông Hùng cho biết thêm.
Ngoài ra, thiết bị flycam cũng phát huy hiệu quả, giúp đơn vị kiểm tra nhanh các cột trên núi cao sau các đợt mưa lũ mà điều kiện an toàn chưa cho phép tiếp cận kiểm tra ngay. Qua các bức ảnh chụp và hình ảnh được ghi lại, cán bộ kỹ thuật có đủ điều kiện phân tích đánh giá tình trạng làm việc của các thiết bị trên lưới, kịp thời xử lý các điểm có nguy cơ sự cố.
Công nhân Truyền tải điện Tây Bắc vệ sinh sứ cách điện hotline |
Vệ sinh cách điện hotline
Truyền tải điện Tây Bắc cũng đã ứng dụng công nghệ vệ sinh cách điện hotline: Phun nước với áp lực cao vào trụ điện, đường dây, bát sứ, trong khi đường dây vẫn hoạt động bình thường. Nước được bắn với áp lực cao, rửa sạch bụi bẩn với thời gian không quá 3 phút/cột, trong khi trước đây công việc này tốn 2-3 giờ/cột.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng, thông thường, cứ sau một thời gian vận hành, các bát sứ cách điện chuỗi trên các đường dây truyền tải đều bị bám bẩn, gây dòng rò làm tổn hao điện. Nếu bẩn tích tụ nhiều, kết hợp độ ẩm cao hoặc sương mù, có thể dẫn đến phóng điện dọc theo bề mặt chuỗi cách điện, gây ra sự cố pha - đất, làm gián đoạn khả năng truyền tải điện. Do đó, để đảm bảo an toàn cho hệ thống, tùy từng khu vực đường dây đi qua, có thể vài tháng, một năm hoặc vài năm, các đường dây truyền tải phải được vệ sinh cách điện…
“Việc cắt điện khi vệ sinh đường dây điện không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn là công việc rất khó khăn, nguy hiểm. Công nhân vận hành phải trèo lên từng chuỗi sứ cách điện và dùng giẻ lau chùi từng bát sứ, trên độ cao 15-40 m, có vị trí cao hơn 50 m”, ông Hùng cho biết.
Hơn thế, với số lượng sứ cách điện rất lớn trên lưới điện truyền tải, việc cắt điện để thực hiện vệ sinh mất nhiều công sức và thời gian. Đặc biệt, trong tình trạng hiện nay hệ thống điện Việt Nam chưa thật sự đáp ứng vận hành theo tiêu chí N-1, việc thay đổi phương thức truyền tải do cắt điện một ngăn lộ để vệ sinh sứ cách điện trong thời gian dài là rất khó khăn và có nguy cơ dẫn đến quá tải các đường dây khác.
Cũng theo ông Hùng, trong đợt nắng nóng cao điểm vào đầu tháng 6/2017, một số đường dây do Truyền tải điện Tây Bắc quản lý cũng có tình trạng đầy tải và quá tải. Tuy nhiên, nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, vận hành, đã không có sự cố nào xảy ra...
Ngoài ra, trên địa bàn do Truyền tải điện Tây Bắc quản lý, mật độ giông sét cũng rất cao, thường gây sự cố lưới điện. Những năm gần đây, đơn vị cũng đã ứng dụng công nghệ lắp đặt chống sét van, chống sét đa tia…, góp phần giảm đáng kể sự cố do sét đánh.
“Nếu năm 2016, Truyền tải điện Tây Bắc xảy ra 4 sự cố do sét, trong năm 2017, chưa có sự cố nào. Điều này cho thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã bước đầu mang lại hiệu quả”, ông Hùng khẳng định.